Chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” do Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT chủ trì hướng đến việc giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong 10 mạng botnet phổ biến.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu tháng 6/2020 đã xác định rõ: “Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế”.

Với vai trò của cơ quan đầu mối điều phối triển khai các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã nhiều lần nhấn mạnh, an toàn, an ninh mạng là điều kiện tiên quyết để phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.

Thế nhưng, theo nghiên cứu của các hãng bảo mật, thời gian gần đây, tình trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam tuy có giảm hơn song vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới. Số liệu thống kê thực tế cho thấy, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma – PV) lớn.

Bộ TT&TT phát động chiến dịch rà soát, bóc gỡ mã độc trên toàn quốc

Hướng tới mục tiêu dài hạn là đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT vừa phát động chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020”. Thông tin chi tiết về chiến dịch được cung cấp trên trang https://khonggianmang.vn/chiendich2020.

Là chiến dịch vì cộng đồng, hướng tới cá nhân, doanh nghiệp, “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” sẽ được triển khai trên diện rộng, theo đó các đơn vị triển khai cung cấp các công cụ kiểm tra, xử lý và bóc gỡ mã độc. Những phần mềm phòng chống mã độc sẽ được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí qua website https://khonggianmang.vn.

Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết thêm: “Chiến dịch được triển khai chủ yếu phục vụ khối doanh nghiệp tư nhân và hệ thống mạng, thiết bị tại các hộ gia đình: nhóm đối tượng này chiếm phần lớn số lượng địa chỉ IP trên.

Tuy nhiên, chiến dịch sẽ được triển khai trên toàn bộ không gian mạng và người dùng Internet Việt Nam. Chiến dịch cũng góp phần cải thiện mức độ tin cậy của quốc gia trong hoạt động giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”.

“Chung tay” làm sạch không gian mạng Việt Nam

Mục tiêu cụ thể chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” hướng đến là giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP nằm trong 10 mạng botnet phổ biến; đưa Việt Nam ra khỏi báo cáo của các hãng về tỉ lệ lây nhiễm mã độc trong khoảng thời gian nhất định.

Bộ TT&TT phát động chiến dịch rà soát, bóc gỡ mã độc trên toàn quốc
Chiến dịch hướng đến là giảm 50% tỷ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP nằm trong 10 mạng botnet phổ biến (Ảnh minh họa)

Là đơn vị trực tiếp phối hợp, đồng hành với các doanh nghiệp trong và ngoài nước như VNPT, Viettel, CMC, FPT, BKAV, Kaspersky… thực hiện chiến dịch, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT thông tin, chiến dịch sẽ được chia làm 3 giai đoạn: trước, trong và sau chiến dịch.

Trong đó, giai đoạn trước chiến dịch gồm việc thống nhất, chuẩn bị kỹ lưỡng cho các kế hoạch, sự kiện bao hàm. Hiện tại, chiến dịch đã bắt đầu bước vào giai đoạn 2.

Giai đoạn trong chiến dịch kéo dài khoảng 1 tháng bao gồm các công đoạn: đánh giá hoạt động 10 mạng botnet lớn cần ưu tiên xử lý; đánh giá ở mức ISP; xây dựng công cụ hỗ trợ; triển khai công cụ trên diện rộng, theo đó, người sử dụng sẽ được tải miễn phí các công cụ để kiểm tra và bóc gỡ mã độc ra khỏi máy tính của mình. “Sau chiến dịch, chúng tôi sẽ đánh giá kết quả và dự kiến thực hiện các chiến dịch tiếp theo”, đại diện NCSC nói.

Triển khai trên toàn không gian mạng Việt Nam, chiến dịch được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố từ cấp địa phương đến cấp trung ương, thông qua hệ thống đơn vị chuyên trách về CNTT các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; các ngân hàng thương mại cổ phần, các tổ chức tài chính.

Ngoài ra, chiến dịch còn nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức, tập đoàn và các hãng bảo mật lớn trên thế giới như Kaspersky, Group-IB, FireEye, F-Secure, ESET để lan tỏa hiệu quả cũng như lợi ích đến người dùng Internet Việt Nam.

“Chiến dịch đã và đang được triển khai từng bước. Chúng tôi hy vọng hoạt động này sẽ thu được kết quả khả quang sẽ mang lại kết quả khả quan, góp phần làm sạch mã độc trên không gian mạng Việt Nam, đảm bảo an toàn cho các giao dịch của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh chuyển đổi số, hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *