Mạng 5G như một đường cao tốc về dữ liệu, mở ra nhiều sáng kiến công nghệ, góp phần chuyển đổi số cho Việt Nam.

Cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone đều đã triển khai mạng 5G tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Với tốc độ cao hơn 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ mượt mà hơn.

Trả lời ICTnews về vai trò của 5G đối với chuyển đổi số, ông ST Liew – Phó Chủ tịch Qualcomm Technologies, Chủ tịch Qualcomm khu vực Đài Loan và Đông Nam Á – cho rằng 5G tại Việt Nam sẽ giống như một đường cao tốc về dữ liệu, mở ra nhiều cơ hội để chuyển đổi số.

5G sẽ mở ra nhiều cơ hội chuyển đổi số cho Việt Nam
Mạng 5G sẽ đóng góp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nhà máy thông minh. (Ảnh: Hải Đăng)

Ông ST Liew khẳng định những gì mà mạng 4G có thể làm thì mạng 5G chắc chắn làm được. Mạng 5G sẽ nhanh hơn, chi tiết hơn, mang lại những trải nghiệm tốc độ mượt mà hơn rất nhiều so với kỳ vọng của nhiều người.

Trong các thử nghiệm tốc độ mạng 5G của 3 nhà mạng tại Việt Nam gần đây, tốc độ download vào khoảng 700Mb/s đến hơn 1Tb/s, tốc độ upload khoảng 60-90Mb/s. Tốc độ này cao hơn khoảng 10 lần so với mạng 4G hiện tại.

“Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm rõ rệt trong phát triển công nghệ, đặc biệt là chiến dịch Make in Vietnam, biến Việt Nam thành một trung tâm sáng tạo. Tôi tin mạng 5G sẽ đồng hành cùng sự phát triển của các bạn”, ông ST Liew nói trong buổi trả lời phỏng vấn phóng viên toàn cầu.

Trong một cuộc thi đang được Qualcomm tổ chức cho giới công nghệ Việt Nam, 10 đội đã được chọn vào vòng trong từ hơn 100 đội. Ông ST Liew cho biết trong những giải pháp đưa ra, nhiều công nghệ dựa trên 5G, AI, chứng tỏ các nhà phát triển chú trọng đến các công nghệ mới và cả mạng di động tốc độ cao sắp phổ biến tại Việt Nam.

Qualcomm góp phần lớn trong việc hỗ trợ các nhà mạng tại Việt Nam và toàn thế giới triển khai 5G. Trong hai ngày đầu tháng 12, công ty đã tổ chức Qualcomm Snapdragon Tech Summit 2020 (Hội nghị công nghệ Qualcomm Snapdragon) nhằm giới thiệu công nghệ mới trên nền tảng chipset Snapdragon và các vấn đề 5G. Do Covid-19, các buổi hội thảo và phỏng vấn được tổ chức online.

Hiện nay, hơn 100 mạng 5G đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới và hơn 300 thiết bị smartphone, laptop,… tích hợp 5G đã có mặt trên thị trường.

Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia đầu tiên thử nghiệm và triển khai 5G trên toàn cầu. Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines đã triển khai 5G ở nhiều khu vực tại thủ đô Manila. Trong khi đó, Singapore và Thái Lan sắp tới sẽ nâng cấp lên mạng tốc độ cao này.

Khi nói về 5G tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng không phải mọi người dân sẽ nâng cấp lên mạng này một sớm một chiều, mà bắt đầu từ nhà máy, doanh nghiệp. 5G còn được định hướng vào những lĩnh vực giàu tiềm năng trong tương lai như: trí tuệ nhân tạo, nhà máy thông minh, giao thông thông minh, nâng cao trải nghiệm thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR)…

Đối với 5G, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, khu công nghiệp hay các địa điểm giao thông đều có thể xây dựng mạng 5G cho riêng mình thông qua việc trưng dụng một phần hạ tầng 5G công cộng và cá nhân hóa cho phù hợp với nhu cầu từng khu vực.

Kết nối tốc độ cao của 5G cũng chắp cánh cho công nghệ trí tuệ nhân tạo bay cao và xa hơn bởi nó sẽ đảm bảo đường truyền dữ liệu dễ dàng, ổn định, đồng thời đảm bảo tính bảo mật và an toàn cho người dùng.

Trong nhà máy thông minh, mạng 5G được dùng để kết nối không dây không cần cáp trong khi băng thông được tăng cường. Các loại máy móc và thiết bị có trang bị cảm biến sẽ được điều hành và giao tiếp nhau qua mạng 5G với độ trễ thấp cùng tính ổn định được đề cao. Bộ xử lý ứng dụng Edge Cloud (Điện toán biên – phương pháp tối ưu hóa hệ thống điện toán đám mây) sẽ giúp con người giám sát mọi hoạt động trong nhà máy thông minh.

Đối với ứng dụng giao thông thông minh, chúng ta có thể hình dung trên các trục đường giao thông trong tương lai sẽ có sự xuất hiện lượng cảm biến vô cùng lớn bao gồm camera giám sát, cảm biến trên ô tô, thiết bị liên lạc giữa các phương tiện giao thông.

Ở góc độ quản lý, sự tương tác giữa các đối tượng giao thông sẽ giúp nhà nước xây dựng và hoạch định chính sách về giao thông tốt hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *