Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Bộ TT&TT là cơ quan chủ trì. Đối với mỗi tổ chức, đây cũng được xem là thời điểm “vàng” cho chuyển đổi số và cần phải hành động ngay.
Thời cơ của chuyển đổi số đã điểm
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết: Đại dịch Covid-19 là cú “huých” trăm năm cho chuyển đổi số. 6 lĩnh vực được dự báo sẽ thay đổi mãi mãi sau cú “huých” đại dịch Covid-19 là: làm việc trực tuyến; giáo dục trực tuyến; y tế từ xa; các phương tiện lái tự động; mua sắm trực tuyến; tổ chức các sự kiện, hội chợ triển lãm ảo trên không gian mạng thay vì tổ chức trong đời thực.
Ông Nguyễn Huy Dũng: Đại dịch Covid-19 là cú “huých” trăm năm cho chuyển đổi số
Với chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trên thế giới và đi đầu ở Đông Nam Á có một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số, trong đó, 3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số quốc gia là xây dựng và phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
3 trụ cột của chương trình chuyển đổi số quốc gia
Với trụ cột chính phủ số, chương trình đặt ra các mục tiêu lớn đến năm 2025 và 2030, gồm: 80% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 và sử dụng chủ yếu trên điện thoại di động thay vì là trên máy tính truyền thống; 90% hồ sơ cấp Bộ, tỉnh; 80% hồ sơ điện tử cấp huyện; 60% hồ sơ điện tử cấp xã được sử dụng và xử lý hoàn toàn phiên bản điện tử; 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành; 50% hoạt động thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước được tiến hành trực tuyến thông qua hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (CSDL) của cơ quan quản lý.
“Đây là một trong những chỉ tiêu cốt lõi sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, giảm tham nhũng, giảm nhũng nhiễu và nâng cao hiệu quả của việc thanh tra, kiểm tra quản lý nhà nước”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ở trụ cột thứ 2 phát triển kinh tế số, mục tiêu là kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 20% GDP. Con số này hiện nay vào khoảng 8%. Hiện chưa có bộ đo, phép đo chính thức cho chỉ số này, trong tháng 8, Bộ TT&TT sẽ đề xuất bộ đo chuyển đổi số quốc gia.
Ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, tỷ trọng này khoảng 40%. Một số nước ở châu Á, trong đó có Singapore đạt khoảng 25 – 30%. Trong Đông Nam Á, Indonesia có chỉ số cao hơn Việt Nam. Theo báo cáo của một số hãng tư vấn, Indonesia đạt khoảng từ 13 – 15%. Việt Nam phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tỷ trọng tối thiểu là 10%, năng suất lao động từ năm 2023 tăng tối thiểu hàng năm là 7%.
Về trụ cột xã hội số, theo chương trình, Việt Nam sẽ cụ thể hóa mục tiêu mỗi hộ gia đình 1 đường cáp quang, mỗi người dân 1 điện thoại thông minh và coi đây là phương tiện, kênh truy cập chủ yếu của mọi người vào thế giới số. Trong xã hội số, Việt Nam phấn đấu thanh toán điện tử không dùng tiền mặt chiếm 50% tổng lưu lượng thanh toán.
“Sự tiện lợi trong không gian số là không phụ thuộc vào vị trí địa lý mà phụ thuộc vào việc chúng ta đưa ra quyết định triển khai chuyển đổi số nhanh hay chậm. Chuyển đổi số càng nhanh thì thuận lợi càng lớn vì chúng ta đi nhanh, đi trước thì dễ dàng thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư. Đi sau cơ hội sẽ giảm đi”, ông Dũng cho hay.
Những lĩnh vực “chạm” đến cuộc sống của người dân nhiều nhất là: y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp, giao thông, năng lượng, môi trường, sản xuất công nghiệp. Đây là 8 lĩnh vực ưu tiên, bắt buộc phải chuyển đổi số trước để tạo nền tảng, từ đó dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia
Ông Dũng cho biết: Chuyển đổi số hiện nay được thúc đẩy nhờ vào các nền tảng. Trước đây, thời gian để triển khai các dự án đầu tư hệ thống CNTT nhanh thì phải mất 3 – 5 năm mới thực hiện được tin học hóa quy trình nghiệp vụ. Hiện nay, với các nền tảng, thời gian chỉ tính bằng ngày, bằng tuần. Không cần có đơn vị chuyên trách về CNTT vẫn có thể chuyển đổi số. Các bệnh viện không cần có hệ thống, không cần có chuyên gia CNTT, có thể sử dụng nền tảng để cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Các trường học cũng tương tự.
Theo đó, ông Dũng nhấn mạnh: “Công thức chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức không phải là công nghệ mà chính là yếu tố con người, mô hình, quy trình, sử dụng các nền tảng”.
Cơ quan chuyên trách CNTT khẩn trương đề xuất chức năng, nhiệm vụ chuyển đổi số
Cục trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết: Đề án Chuyển đổi số quốc gia đã đề ra những sở cứ pháp lý quan trọng, trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên trách về CNTT khẩn trương đề xuất, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ về chuyển đổi số cho đơn vị mình, tích cực tham mưu cho lãnh đạo để sớm xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương
Bộ TT&TT sẽ xây dựng khung chương trình và tài liệu tuyên truyền về chuyển đổi số. Các đơn vị chuyên trách CNTT sẽ giúp tuyên truyền về chuyển đổi số trong Bộ ngành, địa phương mình.
Đối với DN công nghệ số với sứ mệnh mang công nghệ vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, ông Dũng kêu gọi các DN cần làm cho mọi người chuyển đổi số dễ dàng hơn thông qua các nền tảng.
“Mong các DN đi tìm, giải quyết “nỗi đau” của xã hội, vấn đề nhức nhối của xã hội bằng công nghệ “Make in Vietnam”. Dữ liệu là dầu mỏ, là năng lượng mới của nền kinh tế. Dữ liệu này của người Việt Nam phải tạo ra giá trị gia tăng cho Việt Nam. Việc đó chỉ có thể làm được thông qua nền tảng Việt Nam”.
Hiện nay, Bộ TT&TT đang có chương trình mỗi tuần ra mắt một nền tảng số. “Mong các DN có những nền tảng tốt tham gia vào chương trình này”.
Đối với các cơ quan tổ chức khác trong xã hội, ông Dũng mong muốn: Các cơ quan cần bắt tay ngay vào việc để có kế hoạch chuyển đổi số ngay. “Dịch Covid-19 như một “cú đấm”, chúng ta có kế hoạch chưa đủ, chúng ta phải nỗ lực để xã hội hoạt động bình thường trong giai đoạn giãn cách”.