Thương mại điện tử Việt Nam đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020. Hành vi người dùng thay đổi khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm tới kinh doanh trực tuyến và chuyển đổi số.

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng vững qua đại dịch

Doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 13,2 tỷ USD năm 2020
Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 15% trong năm 2020

Theo một nghiên cứu được thực hiện trong năm 2020, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) nhận định Covid-19 nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Đặc biệt, trong thời gian cao điểm giãn cách, kênh thương mại điện tử (TMĐT) trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ.

Hành vi người dùng thay đổi cũng đã tác động đến hoạt động các doanh nghiệp. Theo đánh giá, trong khủng hoảng, doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. “Các doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng”, Vecom nhận định.

Kết quả khảo sát của Vecom tiến hành với hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước cho thấy 10% doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2020 tăng lên bất chấp đại dịch, trong khi đó 50% doanh nghiệp bị giảm và 40% có doanh thu hầu như không thay đổi.

Xu hướng các doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn TMĐT và mạng xã hội ngày càng tăng và mạng xã hội cũng trở thành kênh tiếp thị và bán hàng hiệu quả nhất. Với tốc độ tăng trưởng 15% trong năm 2020, doanh thu TMĐT Việt đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD.

Đến đầu năm 2021, các doanh nghiệp thích nghi và quan tâm hơn tới kinh doanh trực tuyến. Mặt khác, cộng đồng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến tăng nhanh. Các yếu tố này dẫn tới nhiều lĩnh vực kinh doanh trực tuyến duy trì được sự ổn định và tăng trưởng tốt ở các lĩnh vực như: lẻ hàng hoá trực tuyến, gọi xe và đồ ăn, giải trí trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đào tạo trực tuyến.

Quan trọng hơn, với sự thay đổi nhanh hướng về chuyển đổi số của doanh nghiệp và mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng có thể nhận định TMĐT Việt Nam tiếp tục tiến bước vững chắc và duy trì sự phát triển nhanh và bền vững cho cả giai đoạn 2016 – 2025.

Vecom cũng dẫn số liệu từ Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company xác định TMĐT Việt Nam có quy mô trên 14 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 16%. Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến tăng cao nhất với 46%. Theo dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô TMĐT nước ta có thể đạt 52 tỷ USD.

Thanh toán số phát triển mạnh

Cùng với tăng trưởng của ngành, nhiều lĩnh vực ghi nhận sự thay đổi rõ nét. Chẳng hạn, ở lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến, theo khảo sát của Vecom, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%. Dù vậy, tốc độ tăng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát lại thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng.

Đáng chú ý nhất là lĩnh vực thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh. Vecom dẫn số liệu từ Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng đã phát hành mới tới 10,3 triệu thẻ các loại trong 6 tháng đầu năm 2020, nâng tổng số thẻ ở Việt Nam lên 103,4 triệu. Doanh số thanh toán chi tiêu theo kênh TMĐT trong thời gian này tăng 17%. Trong đó, doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa theo kênh TMĐT tử tăng tới 81%.

Ngược lại, chi tiêu thẻ quốc tế tại kênh TMĐT giảm 16%. Điều này phản ánh sự suy giảm mạnh mẽ của du khách quốc tế cũng như khó khăn khi mua hàng trực tuyến từ nước ngoài về Việt Nam.

Trong năm 2020, sản lượng giao dịch thanh toán trực tuyến thẻ nội địa qua hệ thống của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) có sản lượng giao dịch tăng khoảng 185% và giá trị giao dịch tăng khoảng 200%.

Cùng với đó, thị trường ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ví điện tử. Chẳng hạn như Momo đạt tới hơn 403 triệu giao dịch, giá trị giao dịch đạt khoảng 14 tỷ USD trong năm 2020. Số lượng người đăng ký dùng ví điện tử này cũng tăng gần 2 lần so với năm trước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *