Được coi là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam, đến nay FPT mới có mục tiêu và quyết tâm rõ ràng cho chuyển đổi số.
Các tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như FPT, VNG, Viettel, VNPT, CMC… đều đang giương cao ngọn cờ chuyển đổi số. Thậm chí, chuyển đổi số còn được nâng lên thành vấn đề sống còn ở FPT.
2 năm trước, FPT đã bán bớt cổ phần tại FPT Retail, FPT Trading để trở về lại mảng cốt lõi là công nghệ, viễn thông. Đây từng là quyết định gây xôn xao thị trường bởi trước năm 2017, lĩnh vực phân phối bán lẻ thường góp 40-50% doanh thu cho FPT. Từ đây, FPT thay đổi chiến lược theo hướng tập trung toàn lực cho công nghệ. Theo báo cáo thường niên 2018, ở khối công nghệ, FPT sở hữu 100% vốn ở FPT Software và FPT IS. Ở khối viễn thông, FPT sở hữu FPT Telecom và FPT Online. FPT cũng nắm giữ toàn bộ vốn ở FPT Education và FPT Investment. Với các mảng phân phối, bán lẻ, FPT tuy vẫn nắm giữ cổ phần nhưng chỉ liên kết, không còn vai trò chi phối. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, đặt ra mục tiêu của FPT là trở thành nhà tư vấn chuyển đổi số. Ông cho rằng “doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số, nếu không sẽ thua về bậc và phải ra đi”.
Xoay chiều chiến lược
Kết quả kinh doanh của FPT cũng đã xoay chiều. Từ mức đóng góp 25% doanh thu năm 2017, mảng công nghệ năm 2018 của FPT đã chiếm tỉ trọng 58% doanh thu. Sang 11 tháng năm 2019, công nghệ tiếp tục chiếm trên một nửa doanh thu FPT. Riêng viễn thông vẫn duy trì ở mức đóng góp 38,4%, còn giáo dục – đầu tư và mảng khác chiếm 6% doanh thu FPT.
Rõ ràng, FPT quyết dồn lực cho công nghệ. Tuy nhiên, lần trở lại này, FPT không tập trung vào công nghệ phần cứng – mảng từng giúp FPT thăng hoa những năm 1996-2007, khi tiên phong làm mạng internet, dịch vụ kết nối, truyền hình internet, hạ tầng viễn thông… Thay vào đó, FPT hướng sự chú ý vào giải pháp phần mềm, tư vấn giải pháp tổng thể. Trong đó, chuyển đổi số được FPT ưu tiên và kỳ vọng hơn cả.
Đứng trước những hướng rẽ này, đã có nhiều ưu tư, lo ngại diễn ra trong nội bộ FPT và cả nhà đầu tư. Nhưng ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược”. Ông Bình hay kể câu chuyện chuyển đổi số của Amazon. Tập đoàn bán lẻ toàn cầu này chỉ có 6 kế toán. Việc Amazon rút gọn được nguồn lực trên do quá trình mua bán, thanh toán được thực hiện tự động trên ứng dụng Amazon Go.
Theo Viện Trí tuệ Con người và Máy móc (Mỹ), thế giới đang ngày càng sử dụng nhiều thiết bị nối mạng, ước vượt 75 tỉ thiết bị cho 8 tỉ người trong 5 năm tới. Vì thế, 1-2 năm trở lại đây, nền công nghệ toàn cầu đã chuyển mình chưa từng có. Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo Microsoft, chuyển đổi số có thể tác động lên GDP năm 2019 ở mức 25%, từ 6% năm 2017 và dự báo tăng lên 60% vào năm 2021.
Đối với Việt Nam, chuyển đổi số là cơ hội để vượt lên thành nước phát triển. Trong tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam đặt mục tiêu lĩnh vực kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP vào năm 2030. Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, chuyển đổi số cũng đã có những tác động nhất định. Trong 3 quý đầu năm nay, FPT ghi nhận doanh thu từ chuyển đối số đạt 2.500 tỉ đồng, tăng hơn 35% và chiếm khoảng 1/3 tổng doanh thu công nghệ ở nước ngoài của FPT. Đến năm 2021, FPT hướng tới mục tiêu 1 tỉ USD doanh thu từ khối công nghệ, với chuyển đổi số ước góp khoảng 45% doanh thu thị trường nước ngoài.
FPT định ra kế hoạch này dựa trên giá trị chuyển đổi số thế giới ước đạt 2.000 tỉ USD vào năm 2022, theo International Data Corporation (IDC). Ngoài ra, triển vọng cho FPT còn đến từ danh sách hơn 100 khách hàng thuộc Fortune Global 500. Theo tiết lộ của FPT, các công ty này chi tiêu cho công nghệ từ vài trăm triệu USD đến hàng tỉ USD mỗi năm, trong khi doanh thu trung bình của FPT từ nhóm khách hàng này mới 2 triệu USD/khách hàng/năm.
Ở Viettel, lâu nay 95% doanh thu đến từ viễn thông truyền thống. Năm 2019, trong trao đổi với báo chí, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel, cho biết Viettel phấn đấu 15-20% doanh thu từ dịch vụ số. Vài năm tới, Viettel đặt mục tiêu dịch vụ số chiếm khoảng 30% doanh thu Tập đoàn. Thực tế, như nhận định của ông Lê Đăng Dũng, muốn có được tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức 10-15%, Viettel phải tập trung vào các dịch vụ số. Để thực hiện cuộc chuyển đổi, theo ông Dũng, trước tiên Viettel phải trở thành một tổ chức số, được vận hành trên nền tảng số. Cùng với đó, Viettel tái cơ cấu tổ chức, dữ liệu hóa, cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số… Viettel dự kiến dành 2 năm (2019-2020) cho việc chuyển đổi này.
Về phần FPT, nhiều sản phẩm dịch vụ, giải pháp công nghệ mới của Tập đoàn đã ra đời và được đón nhận như akaChain, akaBot, akaDoc, akaTrans, FPT.eHospital, FPT.eGOV… Mới đây, FPT ký hợp đồng bán bản quyền akaBot trong 5 năm cho thị trường Nhật. FPT cũng thâm nhập vào mảng điện toán đám mây (Cloud), Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (A.l)… Trong nội bộ, FPT lập Ban chuyển đổi (FDX), xây dựng đội ngũ tư vấn, xây dựng phương pháp luận chuyển đổi số FPT Digital Kaizen và triển khai 47 dự án chuyển đổi số. Đến năm 2020, FPT đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn bộ Tập đoàn.
Cạnh tranh trong thị trường 2.000 tỉ USD
Chuyển đổi số là hướng đến tương tác và phụ thuộc lẫn nhau của các yếu tố: Cloud, Big Data/Analytics (Phân tích dữ liệu lớn), Social Technology (Công nghệ liên lạc, kết nối) và Mobility (Di động). Trong đó, IDC dự báo Cloud là nền tảng tương lai, chiếm 45% tổng chi tiêu cho tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi giai đoạn 2017-2022 trên toàn thế giới.
Ở FPT, năm 2018 các hợp đồng chuyển đổi số dựa trên nền tảng Cloud chiếm khoảng 27-30% doanh thu chuyển đổi số của FPT. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhiều khả năng đó là các hợp đồng dịch vụ công nghệ thông tin liên quan đến chuyển đổi hệ thống, bảo trì, vận hành… phần mềm trên nền tảng Cloud. Ngoài ra, doanh thu chuyển đổi số của FPT còn đến từ mảng công nghệ di động (Mobility), dịch vụ hỗ trợ các giải pháp quản lý quy trình (ERM, CRM, SCM…), hoặc hỗ trợ nền tảng 4.0 (Big Data, Social Technology).
Thị trường chuyển đổi số lớn nhất của FPT là Nhật, chiếm 56% doanh thu chuyển đổi số năm 2018 của FPT, tăng trưởng 30%. Tiếp đến là Mỹ, EU, châu Á – Thái Bình Dương (APAC). FPT cũng đã ghi nhận những hợp đồng chuyển đổi số với các khách hàng lớn như Toyota, GE, Innogy SE, Carlsberg, ISE Foods, Shinhan, Schneider Electric, DPDgroup… Đặc biệt, FPT đã được Airbus chọn làm đối tác, để cùng IBM, Accenture, Capgemini, Sopra Steria tư vấn, triển khai xây dựng Skywise – nền tảng dữ liệu dành cho các hãng hàng không thế giới. BVSC nhận định, ở các thị trường phát triển, FPT triển khai dịch vụ chuyển đổi số nhờ nhiều vào chi phí nhân công rẻ và các mối quan hệ sẵn có. Sắp tới, lợi thế 3 thập niên tham gia công nghệ và tạo dựng mối quan hệ đối tác khách hàng ở nhiều lĩnh vực giúp FPT tin tưởng đẩy mạnh dịch vụ chuyển đổi số. Ngoài ra, theo ông Trương Gia Bình, FPT đã mời được ông Phương Trầm, nguyên Giám đốc Công nghệ thông tin của DuPont (một công ty Mỹ có doanh thu đến 85 tỉ USD và từng tiên phong trong chuyển đổi số) về làm Tư vấn trưởng mảng chuyển đổi số. FPT cũng tìm cách nâng cao năng lực bằng chiến lược mua bán sáp nhập với các công ty nước ngoài. Năm ngoái, FPT đầu tư sở hữu 90% cổ phần tại Intellinet. Sau thương vụ, FPT có thêm đội ngũ nhân sự chất lượng cao, gia tăng vị thế tại Mỹ và có thêm nguồn khách hàng. Giai đoạn 2020-2023, BVSC cho rằng Intellinet sẽ tiếp tục giúp cho FPT đạt mức tăng trưởng 22-25%.
Ở thị trường trong nước, BVSC đánh giá, với đề án chuyển đổi số quốc gia dự kiến thông qua vào năm 2020, xu hướng chuyển đổi số trong Chính phủ và doanh nghiệp sẽ mở rộng. Liên minh Chuyển đổi số giữa FPT và Viettel, VNPT, Misa, CMC, MobiFone, VNG, Bkav ra đời nhằm hướng tới triển khai một Việt Nam số – Digital Vietnam.
Cơ hội lớn, rủi ro cao
Tuy nhiên, như ông Trương Gia Bình từng ưu tư: “Cuộc đua giữa các doanh nghiệp tư vấn chuyển đổi số chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi đang quan sát các tay chơi thay đổi như thế nào. Bây giờ không nói trước được bởi cuộc đua vẫn đang tiếp diễn”. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng lưu ý, khi thị trường chuyển đổi số có nhiều người chơi mới, FPT sẽ vấp phải cạnh tranh quyết liệt từ các công ty tư vấn khác. Hiện tại, Tata Consultancy Services và Infosys của Ấn Độ là những đối thủ chính của FPT. Nhưng theo ông Trương Gia Bình, 2 doanh nghiệp này đều tập trung vào các thị trường nói tiếng Anh, còn với thị trường Nhật, FPT có lợi thế.
Thách thức khác trong chuyển đổi số cho FPT nói riêng và các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam nói chung là bộ máy cồng kềnh. Theo báo cáo thường niên năm 2018, FPT có tổng tài sản gần 30.000 tỉ đồng, với 6 công ty con và 4 công ty liên kết cùng khoảng 36.000 nhân sự. Với quy mô như vậy, việc kêu gọi trên dưới cùng đồng lòng, sẵn sàng thay đổi, thích nghi là không dễ. Trong một chia sẻ với báo chí về chuyển đổi số, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel, từng xác nhận công ty to thì hay đi chậm. Thực tế, Amazon, Alibaba, Facebook – những công ty dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới, không phải là doanh nghiệp viễn thông, không có hạ tầng nhưng đã sớm bứt phá và trở thành các thế lực mới.
Chuyển đổi số cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải thấu hiểu nền kinh tế kỹ thuật số, chấp nhận phá vỡ mô hình cũ. Điều này đã và sẽ tác động mạnh đến tổ chức, văn hóa làm việc và rất nhiều người. Chuyển đổi số còn yêu cầu doanh nghiệp đầu tư nhiều chi phí cho công nghệ thông tin hoặc thuê dịch vụ. Vì thế, theo các doanh nghiệp, phải thật quyết tâm, doanh nghiệp mới có động lực để làm.
Hiện tại, theo khảo sát của Bộ Công Thương, 61% doanh nghiệp đứng ngoài cuộc chơi. Chỉ 21% công ty là có các hoạt động chuẩn bị ban đầu cho ứng dụng công nghệ 4.0. Tính chung, 16/17 ngành chưa sẵn sàng với chuyển đổi số. Nhìn ra thế giới, số liệu từ McKinsey cho hay, ngay các ngành am hiểu kỹ thuật số như công nghệ cao, truyền thông, viễn thông, mức độ chuyển đổi số thành công cũng không vượt quá 26%. Ở các ngành như dầu khí, ô tô, cơ sở hạ tầng, dược phẩm… chuyển đổi số thành công chỉ chiếm 4-11%.
Các doanh nghiệp Việt còn phải đối mặt với thách thức từ thiếu hụt nhân sự. FPT hiện có trên 16.000 kỹ sư phần mềm và đến năm 2021 ước cần tăng thêm mỗi năm 20% nguồn kỹ sư mới. Dù FPT đã mở Trường Đại học FPT từ nhiều năm nay và thiết lập 4 tổ hợp công viên phần mềm và đào tạo (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ), dự kiến sẽ mở thêm 2 tổ hợp nữa (Quảng Nam, Bình Định) nhưng FPT vẫn khát nhân sự chất lượng cao. Theo ghi nhận của BVSC, Đại học FPT chỉ mới đáp ứng 8-10% lượng nhân sự mới cho FPT Software. FPT và các công ty công nghệ đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động để thu hút nhân lực.
Khó khăn cho FPT và các doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi số là cơ sở dữ liệu. Dữ liệu ở Việt Nam hiện rời rạc, chưa chuẩn xác, thiếu tiêu chuẩn, thiếu kết nối, thiếu chia sẻ. Kỹ thuật, hạ tầng số, nhân sự phân tích, quản lý dữ liệu, mức độ nhận thức về chuyển đổi số cũng là những trở ngại.
Vì vậy, FPT hiện dành chú trọng cung cấp dịch vụ chuyển đổi số ở thị trường nước ngoài. FPT dồn lực cho chuyển đổi số còn vì muốn tạo ra những thay đổi cho mảng viễn thông.Chẳng hạn, FPT Telecom đã triển khai cho thuê máy chủ ảo từ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ băng thông rộng có sẵn (HI GIO Cloud), hoặc các dịch vụ giải pháp Microsoft. Nhờ công nghệ, trong 11 tháng năm 2019, mảng viễn thông FPT tăng trưởng 16% và ghi nhận tỉ suất sinh lợi cải thiện lên 18%. FPT cũng đã gia tăng đầu tư nội dung truyền hình số.
Trước nhu cầu lớn của thị trường và sức ép từ sự phát triển nhanh chóng của xu hướng công nghệ mới, FPT buộc phải thay đổi mạnh mẽ. Theo các công ty chứng khoán, đây là cơ hội nhưng cũng đặt FPT và các công ty công nghệ trước những thách thức mới. Bởi công nghệ là lĩnh vực thay đổi liên tục, đào thải cao và cạnh tranh lớn. Doanh nghiệp nào nắm bắt kịp thời xu hướng mới có thể giành được lợi thế cạnh tranh.