Ngoài phần mềm diệt virus, các chuyên gia bảo mật đều khuyến cáo người dùng nên sử dụng thêm các công cụ có chức năng phát hiện và chặn phần mềm độc hại, phần mềm quảng cáo, spyware, adware
Ngay khi cài đặt xong Windows 10, người dùng có thể sử dụng phần mềm diệt virus đã được Microsoft tích hợp sẵn là Windows Defender. Theo đó, Windows Defender sẽ tự động quét các chương trình bạn mở ra, đồng thời cho phép người dùng quét sâu toàn bộ hệ thống. Phần mềm này cũng liên tục tự động cập nhật dữ liệu về các loại virus mới thông qua tính năng Windows Update.
Tuy nhiên, điểm cộng lớn nhất của Windows Defender đến từ việc phần mềm diệt virus này không hề làm chậm hệ thống của bạn – điều mà một số phần mềm diệt virus khác thường không làm được.
Nhìn chung, theo đánh giá của các chuyên gia bảo mật, Windows Defender sở hữu khả năng bảo vệ máy tính đủ tốt với một phần mềm miễn phí, và hoàn toàn không quá thua kém so với các phần mềm diệt virus hàng đầu hiện nay. Thực tế, trong bài đánh giá của hãng bảo mật AV-TEST vào tháng 4 năm 2017, Windows Defender đã phát hiện được 99,9% “phần mềm độc hại phổ biến”, cùng với 98,8% các cuộc tấn công zero-day.
Tất nhiên, nếu bạn ghét Windows Defender vì lý do nào đó và muốn sử dụng một phần mềm diệt virus khác, bạn có thể sử dụng các phần mềm diệt virus hàng đầu hiện nay của hãng Bitdefender, Norton, Trend Micro hay Kaspersky. Phiên bản miễn phí của các phần mềm này đều hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng đầy đủ tính năng, bạn sẽ phải bỏ thêm một khoản tiền không nhỏ cho phí sử dụng hàng tháng / năm.
Chỉ sử dụng phần mềm diệt virus là không đủ
Việc sử dụng các chương trình diệt virus đương nhiên là rất cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ nếu bạn muốn bảo mật ‘tận răng’!
Ngày nay, các chuyên gia bảo mật đều khuyến cáo người dùng nên sử dụng thêm các công cụ có chức năng phát hiện và chặn phần mềm độc hại, phần mềm quảng cáo, spyware, adware. Trong số các công cụ hiện có trên thị trường, Malwarebytes chính là phần mềm được các chuyên gia bảo mật đánh giá cao nhất.
Theo đó, không giống như các phần mềm diệt virus truyền thống, Malwarebytes rất “giỏi” trong việc tìm kiếm “các chương trình không mong muốn tiềm ẩn” (PUP) và các phần mềm rác khác. Kể từ phiên bản 3.0, Malwarebytes cũng tích hợp tính năng Anti-Exploit (chống khai thác).
Tính năng này giúp chặn các hành vi khai thác lỗ hổng phần mềm, kể cả các phương thức tấn công Zero-day chưa từng được phát hiện. Bên cạnh đó, Malwarebytes cũng tích hợp khả năng chống lại ransomware, để chặn các mã độc tống tiền như CryptoLocker.
Cũng cần nói thêm, mặc dù Malwarebytes tuyên bố có thể thay thế hoàn toàn phần mềm diệt virus truyền thống, nhiều chuyên gia bảo mật không đồng tình với tuyên bố này.
Cụ thể, bản thân Malwarebytes và các phần mềm diệt virus sử dụng các chiến lược bảo vệ khác nhau: phần mềm diệt virus sẽ chặn hoặc cách ly các chương trình có hại tìm đường đến máy tính của bạn, trong khi Malwarebytes cố gắng ngăn phần mềm độc hại tiếp cận máy tính của bạn ngay từ đầu. Do Malwarebytes không xung đột các chương trình diệt virus truyền thống, người dùng nên chạy cả hai chương trình để được bảo vệ tốt nhất.
Trong trường hợp muốn chạy cả Windows Defender và Malwarebytes, người dùng cần vào Cài đặt, nhấp vào tab “Bảo mật” và tắt tùy chọn “Always register Malwarebytes in the Windows Security Center”. Khi tùy chọn này bị tắt, Malwarebytes sẽ không tự đăng ký là ứng dụng bảo mật mặc định của hệ thống và cả Malwarebytes và Windows Defender sẽ chạy cùng một lúc.
Hiện tại, người dùng sẽ phải bỏ ra khoảng 3.33 USD cho 1 tháng sử dụng Malwarebytes trên 1 thiết bị. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng phiên bản miễn phí của Malwarebytes, vốn được tích hợp chức năng Scan (quét) và Quarantine (cách ly) các file hoặc phần mềm gây hại cho hệ thống.