Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hoặc Chương trình thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 942 ngày 15/6. Bản chiến lược này có vai trò quan trọng, mở ra một bước ngoặt mới cho công cuộc chuyển đổi số nói chung và phát triển Chính phủ số nói riêng của Việt Nam.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 là kim chỉ nam để xây dựng các kế hoạch hành động phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025 (Ảnh minh họa: Internet)

Bản Chiến lược đặt ra sứ mệnh và mục tiêu cao cho chặng đường phát triển hướng tới Chính phủ số thời gian tới. Tầm nhìn đặt ra là Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định 942 ngày 15/6, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo xây dựng Kế hoạch hoặc Chương trình cụ thể thực hiện Quyết định nêu trên bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Trước đó, vào ngày 29/6, Bộ TT&TT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, quán triệt các tổ chức thuộc phạm vi quản lý nắm rõ xu thế phát triển của thế giới và thực tiễn Việt Nam nhằm xác định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần thực hiện sớm.

Nhấn mạnh quan điểm phát triển Chính phủ số là xu thế chung trên thế giới, Bộ TT&TT cho hay, năm 2020 được coi là năm khởi đầu của thập kỷ, trong đó Chính phủ số được xác định là giải pháp quan trọng nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển bền vững đặt ra đến năm 2030.

Trong bối cảnh đó, từ 3 – 5 năm gần đây, nhiều nước đã sớm nhận thức được việc này và nhanh chóng tuyên bố chiến lược phát triển Chính phủ số của nước mình như Thái Lan năm 2017, Singapore năm 2018, Úc năm 2019 và Hàn Quốc năm 2020.

Việt Nam cũng sớm nhận thức được xu thế phát triển Chính phủ số. Điều này được thể hiện ở mục tiêu xây dựng Chính phủ số đã được đặt ra trong: Nghị quyết 52 ngày 27/9/2021 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đặc biệt là Quyết định 942 ngày 15/6 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030.

Đề xuất 19 chỉ tiêu cơ bản phát triển Chính phủ số đến hết năm 2022

Cùng với việc lưu ý các bộ, ngành, địa phương về nội hàm của khái niệm “Chính phủ điện tử” và “Chính phủ số”, Bộ TT&TT chỉ rõ: “Khi nói đến phát triển Chính phủ số chính là nói phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã bao hàm Chính phủ điện tử. Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số”.

Cụ thể, cách làm thay đổi: từ cung cấp dịch vụ công trực tuyến sang cung cấp dịch vụ số; từ dẫn dắt là giám đốc CNTT sang người đứng đầu tổ chức; từ hệ thống thông tin sang nền tảng; từ tiếp cận dịch vụ sang tiếp cận dữ liệu; từ công nghệ Web và PC sang công nghệ 4.0 với điện toán đám mây, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…;

Từ sự tham gia của cơ quan nhà nước sang sự tham gia của cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp; từ nhấn mạnh cải cách thủ tục hành chính sang nhấn mạnh thay đổi mô hình quản trị; từ đo lường dịch vụ công lên trực tuyến sang đo lường số dịch vụ công mới. Thách thức của Chính phủ điện tử là liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu, còn thách thức của Chính phủ số là quản lý sự thay đổi.

Cũng tại văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương ngày 29/6 về việc thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 (Chiến lược), Bộ TT&TT còn đề xuất 18 chỉ tiêu cơ bản phát triển Chính phủ điện tử đến hết năm 2021 và 19 chỉ tiêu cơ bản phát triển Chính phủ số đến hết năm 2022.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược. Trước hết, khẩn trương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển Chính phủ số/Chính quyền số giai đoạn 2021 – 2025 của bộ, ngành, địa phương mình theo hướng dẫn của Bộ TT&TT tại văn bản 2606 ngày 15/7/2020, trong đó lưu ý cập nhật các nội dung theo Chiến lược.

Đối với các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt kế hoạch, Bộ TT&TT đề nghị căn cứ nội dung Chiến lược để rà soát lại nội dung kế hoạch bảo đàm phù hợp với Chiến lược và thực hiện công tác điều chỉnh kế hoạch (nếu cần thiết).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *